Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đội ngũ y, bác sỹ khoa hồi sức tích cực- chống độc bệnh viện đa khoa Tỉnh Hà Nam: Cứu người bằng cả tấm lòng.

Tin tức - Sự kiện  
Đội ngũ y, bác sỹ khoa hồi sức tích cực- chống độc bệnh viện đa khoa Tỉnh Hà Nam: Cứu người bằng cả tấm lòng.
Vất vả, áp lực, nỗi đau, hạnh phúc…..là những trạng thái mà tập thể bác sỹ, điều dưỡng khoa hồi sức tích cực – chống độc- bệnh viên đa khoa tỉnh Hà Nam thường xuyên phải đối mặt. Ở nơi này, mỗi một nhịp đập trái tim cũng có thể làm hạnh phúc vỡ òa, nơi mà nước mắt, nỗi đau luôn rình rập, nơi mà những y, bác sỹ muốn đứng vững thì không chỉ phải có trình độ chuyên môn mà phải có sức khỏe, lòng nhiệt tình, đức hi sinh và những nỗ lực không ngừng nghỉ để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

IMG_20200707_150450.jpg

Gần một tháng bà Nguyễn Thị Tiện 83 tuổi ở xã Trịnh Xá Thành phố Phủ Lý nằm viện là từng đó thời gian đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng của khoa hồi sức tích cực- chống độc bệnh viên đa khoa tỉnh Hà Nam phải chiến đấu tích cực để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Bà Tiện chuyển đến khoa được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, toan chuyển hóa, suy đa tạng, nhiễm trùng tiết niệu trên nền bệnh nhân bị đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp. Kết quả nuôi cấy máu và nước tiểu cho ra vi khuẩn E.coli, chỉ còn nhậy cảm với một số loại kháng sinh. Xác định đây là một trong những ca khó, tiên lượng bệnh nhân tử vong cao. Tuy nhiên, với quan điểm dù bệnh nhân chỉ còn vài % hy vọng sống thì phải quyết cứu bằng được, đội ngũ y, bác sỹ của khoa đã tiến hành hồi sức tích cực, hỗ trợ hô hấp, sử dụng kháng sinh theo kết quả vi khuẩn nuôi cấy kết hợp lọc máu điều trị thay thế thận. Sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân đã được cứu sống, chức năng các tạng gần như bình thường. Bệnh nhân được kê đơn thuốc điều trị bệnh lý nền mạn tính và đã được xuất viện. Đối với người nhà bà Tiện, đây thực sự được coi là một kỳ tích.

Trung bình mỗi ngày khoa hồi sức tích cực- chống độc bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam điều trị lâm sàng và chăm sóc tích cực cho trên dưới 30 ca bệnh nặng với nhiều mặt bệnh khác nhau. Các giường bệnh của khoa lúc nào gần như cũng kín bệnh nhân. Những bệnh nhân ở đây đều trong tình trạng nặng, hôn mê nằm ở biên giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Song với sự tận tâm, hết lòng vì người bệnh, trình độ chuyên môn vững vàng, từng phút, từng giây, không kể ngày hay đêm, ngày thường hay ngày nghỉ, họ vẫn thầm lặng, nỗ lực để giành lại sự sống cho bệnh nhân…

IMG_20200707_150450.jpg

Bác sỹ Vũ Đình Kiên, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực- chống độc bệnh viện đa khoa Tỉnh Hà Nam cho biết: “Khoa hiện có 7 bác sỹ, 25 điều dưỡng, hộ lý với 25 giường bệnh. Nhiệm vụ của khoa là điều trị, chăm sóc tích cực những bệnh nhân nặng, điều trị trong toàn viện, đồng thời cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên. Không dừng ở đó, khoa Hồi sức tích cực còn có nhiệm vụ phối hợp với bệnh viện tuyến dưới trong xử trí tình huống cấp cứu, hỗ trợ chuyên môn trong cấp cứu. Bệnh nhân đến khoa chủ yếu liên quan đến hô hấp, tuần hoàn và não trong tình trạng nguy cấp đến tính mạng, cần phải cứu chữa ngay nên bệnh nhân được thăm khám, theo dõi, điều trị, chăm sóc toàn diện và liên tục 24/24h. Do đó, yêu cầu mỗi cán bộ, nhân viên, đội ngũ y, bác sỹ phải năng động, nhanh trí, tận tình và chính xác, không một ai được phép lơ là, mà tất cả hợp thành một đội quân đoàn kết, thống nhất, thuần thục xử lý tốt các tình huống cấp cứu bệnh nhân".

Ðã căng về thời gian như vậy nhưng đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng của khoa còn luôn phải làm việc trong môi trường áp lực cao, vừa đối diện với tình trạng nguy kịch của bệnh nhân lại vừa phải đối diện với sự nóng nảy của người nhà. Vì thế họ không chỉ phải rèn luyện về chuyên môn mà còn phải rèn luyện cho mình thói quen chịu đựng, bao dung, thấm nhuần 12 điều y đức của người thầy thuốc Việt Nam để làm tròn trách nhiệm của mình. Trước cường độ, áp lực công việc như vậy, nếu không có lòng yêu và say nghề, tình yêu thương người bệnh, sự nhẫn nại và chịu đựng thì người thầy thuốc ở đây khó lòng bám trụ nổi.

Đã khá quen với những ca bệnh nặng, những hoàn cảnh éo le, nhưng mỗi lần nhìn cảnh người thân xin cho bệnh nhân được về nhà vì không có đủ tiền cứu chữa, lòng thạc sỹ, bác sỹ Lại Xuân Dũng lại trùng xuống. Về là xác định bệnh nhân sẽ tìm đến cái chết trong khi nếu còn nằm viện, bênh nhân vẫn còn cơ hội cứu chữa. Điều đó khiến bác sỹ Dũng đau đáu khôn nguôi, muốn tìm một giải pháp nào đó để cứu giúp họ .Cùng với các bác sỹ trong khoa, bác sỹ Dũng đã liên kết chặt chẽ với các tổ chức từ thiện trong tỉnh, phòng công tác xã hội bệnh viện giúp đỡ bệnh nhân giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị. Gần đây, bác sỹ Dũng đã kết nối được với “quỹ nhân ái" của báo điện tử Dân trí, chỉ tính hơn 1 tháng trở lại đây đã có 3 hoàn cảnh được bạn đọc, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước của báo Dân trí giúp đỡ với số tiền mỗi hoàn cảnh lên tới hơn 100 triệu đồng.

ong-trinh-5-1593298936458.jpg

Bác sỹ Dũng kể lại: “ông Lê Văn Trịnh (64 tuổi, thôn Lẫm Thượng, xã La Sơn, huyện Bình Lục- thuộc hộ nghèo nhiều năm, quanh năm vất vả với nghề đồng nát), ông được đưa vào viện cấp cứu khi bị xuất huyết tầm 2 lít máu, đau đớn lắm nhưng vẫn tỉnh táo và nhìn chúng tôi nói: “Cứu chú với", rồi giọng ông nghẹn lại trong sự bất lực, khi trong túi ông không có đồng nào cả. Nhận số tiền 107 triệu đồng từ quỹ nhân ái của bạn đọc Dân trí cả ông Trịnh và con gái ông đều không thốt lên lời, ông bảo bệnh viện đã hồi sinh ông một lần nữa…"

Những năm gần đây, được sự quan tâm của ban lãnh đạo bệnh viện, khoa luôn được trang bị các thiết bị y tế mới, hiện đại, để đủ điều kiện chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Sự trang bị này không những là trách nhiệm mà còn là niềm tin nơi ban lãnh đạo bệnh viện gửi gắm với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người bệnh. Những cái tên như Bs Vũ Ngọc Tú- trưởng khoa, Bs Vũ Đình Kiên- phó trưởng khoa, Bác sỹ Lại Xuân Dũng, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Hương…  nhiều bệnh nhân nằm lâu ngày ở khoa đã thuộc và thấy thân quen như tên những người thân trong gia đình.

Có mặt tại khoa, lúc nào cũng thấy các bác sỹ, điều dưỡng nơi đây hối hả, tất bật. Mỗi người mỗi việc, nhanh chóng, cẩn thận, chính xác…. Mỗi khi bệnh nhân có tín hiệu tốt, mỗi giọt mồ hôi vất vả đổ xuống là một lần hy vọng về cuộc sống của người bệnh được hồi sinh, thắp sáng niềm tin cho một ngày mai tươi sáng hơn. Dẫu rằng đằng chiếc áo blouse trắng là bao nhiêu nỗi niềm trăn trở với nghề chưa kịp bộc bạch cùng vô vàn thử thách phía trước nhưng sức khỏe của bệnh nhân ngày một hồi phục, niềm tin, nụ cười rạng rỡ của bệnh nhân trên giường bệnh đó cũng chính là niềm tự hào, là động lực để các y, bác sỹ của khoa Hồi sức tích cực, chống độc bệnh viên đa khoa Tỉnh Hà Nam- những chiến binh thầm lặng của nghề y luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với con đường mà mình đã lựa chọn./.​

Tin liên quan