Cơn mưa rào bất chợt
Lam Hạ những ngày đầu thu tháng Tám. Đất trời thoảng chút hanh hao, song cái oi nồng của mùa hạ như vẫn đang còn rơi rớt. Thời tiết những ngày này như lời “thách đố” sức khỏe của những người đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy như các cựu dân quân thuộc Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ, Duy Tiên (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Về nơi ghi dấu những trận đánh khốc liệt giữa Đại đội dân quân phòng không năm nào với các loại máy bay của không quân Mỹ, gánh nặng tuổi tác hằn lên dáng đi của các cựu nữ dân quân. Nhưng, mọi người vẫn thấy mình còn may mắn vì được hưởng thành quả của hòa bình, trong khi nhiều chị em gái cùng đại đội năm xưa đã vĩnh viễn không về.
Bên con đê Châu Giang, cách UBND phường Lam Hạ không xa là mấy có một công trình tâm linh bề thế. Đó là Đền thờ liệt sĩ và di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Hà Nam, trong đó có miếu thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ.
Hôm nay, trước ngày giỗ trận, các cựu nữ dân quân phòng không lại tìm về trận địa năm xưa để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm máu thịt, và vào miếu thờ thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người chị, người em thân yêu cùng chung trận địa năm xưa, đang yên nghỉ dưới đất quê.
Miếu thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ được che mát bởi những tán Ngọc Lan và những vòm nhãn cao, xanh tốt. Trong khói hương vấn vít, những nữ chiến sĩ kiên trung năm nào chắp tay tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh. Trời Lam Hạ đang trong xanh, nắng rót vàng mặt cỏ, vậy mà một trận mưa rào đột nhiên ập đến rồi lại đột ngột ngớt sau chừng chục phút. Ký ức vọng về, và dường như có sợi dây vô hình đang nối liền hiện tại và quá khứ, níu người đi, người ở xích lại gần nhau. Những bàn tay nhăn nheo đưa lên quệt lệ lăn dài; những tiếng thổn thức cứ tự nhiên bật ra từ lồng ngực: “Các em ơi, chỉ còn vài ngày nữa, cách đây 50 năm, quê hương ta rực lửa căm thù…”.
Trái bom treo trước miếu thờ
Trong miếu thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ có một khung ảnh nhỏ, với 10 bức chân dung được xếp thành 2 hàng nghiêm ngắn: Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Thu, Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh, Nguyễn Thị Thuận, Đặng Thị Chung.
Ngắm những nụ cười tươi vẫn đang nở trên môi các chị, tưởng như đó không phải là dung nhan, tâm thế của những người đã từng đứng trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết trong cuộc kháng chiến ác liệt. Nhưng sự thực là như vậy, họ đã bước vào cuộc chiến thật bình thản, tươi tắn, tự nhiên, tự nguyện và có cả những lá đơn đầy ắp quyết tâm, với mong muốn cháy bỏng là được chiến đấu bảo vệ quê hương, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của cả dân tộc.
Dưới khung ảnh các liệt nữ là chiếc tủ kính, trên đó đặt 2 bình sen trắng và 10 chiếc nón lá- vật dụng quen thuộc vừa để che mưa che nắng, vừa để làm duyên của các cô thôn nữ Bắc Bộ năm xưa. Trong chiếc tủ kính là nhiều đồ dùng sinh hoạt được các du khách đến thăm miếu dâng tặng các chị: Những đôi dép nhựa nhiều màu, bánh xà bông thơm, chiếc mũ tai bèo, những chiếc vòng cổ, vòng tay…Có người đến đây còn lưu lại những lời thơ thể hiện sự cảm kích cao độ trước tấm gương hy sinh quên mình của 10 cô thôn nữ Lam Hạ năm nào:
“Em về giỗ trận hôm nay.
Nén nhang thơm, bó hoa gầy…chị ơi.
Rưng rưng em khấn tên người.
Tìm trong hương khói nụ cười thanh xuân.
Bầu trời Lam Hạ trong ngần.
Châu Giang xanh, tiếng chim gần véo von.
Qua rồi một thuở đạn bom.
Chỗ xưa trận địa nay tròn bóng trưa…
…………………………………………….”
Trước cửa miếu, trên cây nhãn vẫn đang treo lủng lẳng vỏ một quả bom lớn có trọng lượng 250 ki-lô-gam do không quân Mỹ ném xuống khu vực này vào ngày 1-10-1966. Đến ngày 20-10-2008, Lữ đoàn công binh 299 (Quân đoàn 1) đã trục vớt thành công trái bom này trong quá trình dò gỡ bom mìn, vật nổ phục vụ cho việc thi công công trình tại đây.
Cô Lưu Thị Mến, pháo thủ số 3 của Đại đội dân quân pháo phòng không Lam Hạ ngày nào nhớ lại: “Quả bom này rơi sát trận địa pháo phòng không nhưng rất may nó không nổ, nếu không sẽ có thêm nhiều người trong số chúng tôi đã không còn nữa”.
Vậy nhưng, không như trái bom “câm” kia, nhiều loại bom, đạn đã gây ra sự hủy diệt khủng khiếp ở mảnh đất bên dòng Châu Giang này trong những năm đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đặc biệt là trong những năm 1966-1967. Bom đạn đã cướp đi tuổi thanh xuân của 10 nữ dân quân Lam Hạ. Song cũng từ những ngày đạn bom ác liệt ấy, khúc tráng ca Lam Hạ đã được viết lên, vang vọng hào hùng suốt nửa thế kỷ qua…
Ghi chép của PHẠM HOÀNG HÀ
(Còn nữa)