Trình tự thực hiện:
- Cá nhân, tổ chức khi cho rằng mình bị thiệt hại do người thi hành công vụ là công chức của Chi cục Thi hành án dân sự gây ra thì có quyền yêu cầu Thủ trưởng cơ quan này giải quyết khiếu nại, xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
- Trong thời hạn hai năm kể từ ngày có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ người bị thiệt hại gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường tới cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự (Chi Cục Thi hành án dân sự).
- Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ, tài liệu kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bồi thường bổ sung. Đối với những văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà người yêu cầu bồi thường không có khả năng cung cấp thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường có trách nhiệm thu thập những văn bản đó.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người yêu cầu bồi thường; trường hợp cơ quan nhận đơn cho rằng vụ việc không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu bồi thường gửi đơn đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường để được xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
- Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP. Quyết định cử người đại diện phải được gửi ngay cho người yêu cầu bồi thường.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp. Xác minh thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúcviệc xác minh thiệt hại, người đại diện phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại. Thời hạn thực hiện việc thương lượng là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài thêm nhưng không quá 45 ngày. Thành phần thương lượng, địa điểm thương lượng, nội dung biên bản thương lượng được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 19 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Biên bản thương lượng thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP.
- Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường.
- Chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.
Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường (Chi cục Thi hành án dân sự)
Thành phần, số lượng hồ sơ:
* Thành phần hồ sơ:
- Đơn yêu cầu bồi thường (Mẫu 01a hoặc 01b Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP).
- Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ (là một trong các văn bản sau đây):
+ Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực pháp luật;
+ Kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 157 Luật Thi hành án dân sự;
+ Bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật.
- Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
* Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết:
- Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và các giấy tờ hợp lệ;
- Xác minh thiệt hại: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh thiệt hại có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày;
- Thương lượng bồi thường: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúcviệc xác minh thiệt hại, người đại diện phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại. Thời hạn thực hiện việc thương lượng là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài thêm nhưng không quá 45 ngày;
- Quyết định giải quyết bồi thường: Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường.
Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân, tổ chức
Cơ quan thực hiện TTHC:
*Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Cơ quan có trách nhiệm bồi thường ở cấp huyện/ Chi cục thi hành án dân sự
*Cơ quan trực tiếp thực hiện:Cơ quan có trách nhiệm bồi thường ở cấp huyện/ Chi cục thi hành án dân sự
Kết quả thực hiện TTHC: Quyết định giải quyết bồi thường
Lệ phí: Không
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn yêu cầu bồi thường(Mẫu 01a hoặc 01b Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP)
Yêu cầu điều kiện thực hiện TTHC:
* Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ ra quyết định hoặc tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự quy định tại Điều 38 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;
- Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 38 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
- Có thiệt hại thực tế xảy ra;
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
* Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ không ra quyết định hoặc không tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự quy định tại Điều 38 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Các điều kiện quy định nêu trên;
- Có lỗi của người thi hành công vụ.
* Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại; trường hợp người thi hành công vụ và người bị thiệt hại cùng có lỗi thì Nhà nước chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ.
Căn cứ pháp lý của TTHC:
- Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
- Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
- Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP ngày 07/12/2015 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự.