Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khúc tráng ca Lam Hạ: Những ngày đỏ lửa

Giới thiệu chung Lịch sử, truyền thống văn hóa  
Khúc tráng ca Lam Hạ: Những ngày đỏ lửa
Một gia đình có tới 5 người lớn, bé, trai, gái cùng lao vào trận đánh; có một cặp vợ chồng son trẻ hy sinh ngay trên mảnh đất quê mình cách nhau chưa tròn một năm… Đó là những nốt trầm hùng trong khúc tráng ca Lam Hạ…

Nữ nhi luyện pháo 100mm

Cùng chúng tôi về Lam Hạ lần này có chị Phạm Thị Lạc, Trưởng Phòng Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam và anh Lê Anh Tuấn, Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Phủ Lý. Họ vui mừng chia sẻ về những đổi thay trên quê hương Lam Hạ hôm nay: Kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển; đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Rồi mai đây, trung tâm hành chính của tỉnh cũng sẽ được chuyển về đây. Và một trong những đổi thay dễ nhận thấy ngay dưới bánh ô tô là sự phẳng phiu của con đê Châu Giang được đổ bê tông rộng rãi.

Cảnh vật đã đổi thay nhiều lắm so với cách đây 50 năm, song trong ký ức của các cựu nữ dân quân như Mận, Hòa, Sứ, Thảo, Mến, Nhu…hình ảnh về những ngày đánh trận còn rõ lắm. Con đê này, dải đất này không xa lạ với các chị, nhưng mỗi lần đặt chân đến những vạt cỏ xanh vốn là trận địa pháo cao xạ năm xưa, kỷ niệm về những ngày khói lửa, và đường nét từ những khuôn mặt đã không còn được nhìn thấy nửa thế kỷ nay như lại ùa về. Hầm chứa đạn, công sự trận địa nay đã bị thời gian xóa dấu, nhưng các chị còn nhớ chính xác đến từng cen-ti-mét…

Xã Lam Hạ vốn được sáp nhập bởi 2 xã Tiên Hòa và Tiên Hồng, thuộc huyện Duy Tiên, đến năm 2000 về Phủ Lý, trở thành phường. Lam Hạ được coi là địa bàn trọng yếu có tính chiến lược bởi có cầu đường bộ nối liền huyết mạch Quốc lộ 1A và cầu đường sắt chạy qua. Ngoài ra, xã còn có 3km đường sắt, 3km đê; trong kháng chiến chống Mỹ, trên địa bàn còn có 2 cầu phao, cầu chìm dùng cho xe quân sự vượt sông Châu Giang mỗi khi cầu Phủ Lý bị địch đánh phá chưa kịp khắc phục.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho biết: Để bảo vệ huyết mạch giao thông tuyến Bắc-Nam khi không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc, ngày 5-8-1965, Huyện đội Duy Tiên quyết định thành lập Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ, quân số gồm 74 đồng chí, được biên chế vào 2 trung đội, 1 tiểu đội du kích, 1 tổ trinh sát và 1 tổ thông tin. Đại đội có nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa tổ chức huấn luyện pháo thủ để phối hợp với các đơn vị pháo phòng không đánh trả không quân Mỹ bằng các loại súng 12,7mm, 14,5mm và pháo cao xạ từ 37 đến 100mm; đồng thời có nhiệm vụ củng cố trận địa, vận chuyển đạn dược và cứu chữa thương binh.

Những trận đánh đi vào lịch sử

Trong suốt 7 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1972), trên trận địa phòng không các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc, Đường Ấm (đều thuộc xã Lam Hạ), Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ đã phối hợp với bộ đội pháo cao xạ đánh 117 trận, tiêu diệt 3 máy bay Mỹ.

Ông Nguyễn Quang Huy, 67 tuổi, nguyên pháo thủ dân quân số 2 của Lam Hạ kể lại: Mỗi trận đánh là một kỷ niệm khó quên với chúng tôi bởi sự ác liệt của nó. Máy bay địch thường bay từ biển vào Hải Hậu theo hướng 34. Khi còn cách gần chục cây số, nhìn qua kính ngắm của pháo, chúng tôi thấy máy bay địch to như những chiếc thuyền, bay theo từng tốp lớn. Trong những ngày cao điểm, phút yên lặng giữa các trận đánh không đồng nghĩa với việc nghỉ ngơi, mà phải tập trung ngụy trang lại công sự, trận địa; lắp và vận chuyển đạn cho trận đánh tiếp theo.

Một trong những trận đánh đi vào lịch sử của Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ là trận đối đầu với không quân Mỹ ngày 1-10-1966.

Hôm đó, vào khoảng 6 giờ 15 phút sáng, khi bà con đang gọi nhau ra đồng thì còi báo động từ thị xã Phủ Lý vang lên, tiếp đến là kẻng đánh liên hồi từ các thôn, xóm và trận địa. Dấu hiệu cho thấy máy bay Mỹ đang bay vào đánh phá.

Khi tiếng kẻng chưa dứt, 12 phi cơ của Mỹ đã ầm ầm “xay lúa” trên bầu trời, rồi lao xuống đánh phá cầu Phủ Lý, với những tiếng bom nổ long trời lở đất. Không mảy may run sợ, các nữ pháo thủ dân quân cùng với bộ đội vẫn ngẩng cao đầu, đưa phi cơ của địch vào vòng ngắm và nhả đạn. Trận đánh thứ nhất kết thúc chưa đầy 15 phút thì tốp máy bay thứ 2 gồm 10 chiếc lại lù lù xuất hiện, trút bom, rốc-két xuống một số điểm trong xã và cầu Phủ Lý. Mặt đất, bầu trời cùng rung chuyển bởi tiếng bom, đạn của địch và đạn hỏa lực phòng không của ta. Một chiếc máy bay của địch đã bị đền tội, cắm xuống hướng Tây Nam. Bị tổn thất, không quân Mỹ điên cuồng tiến hành 3 trận đánh phá tiếp theo trong buổi sáng hôm đó.

Cựu nữ dân quân Lưu Thị Mến nhớ lại: Ban đầu, chúng tổ chức đánh phá công trình giao thông. Khi phát hiện có lực lượng phòng không đánh trả, chúng chuyển hướng đánh trận địa. 8 dân quân, trong đó có 6 đồng chí nữ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này là các chị: Thu, Thi, Tuyết, Phương, Lan, Tâm. Trong số các chị nói trên, Thu, Thi là hai chị em ruột. Cùng tham gia đánh máy bay địch hôm đó còn có anh trai của các chị là dân quân Thái. Em gái út của các chị là Quy và cháu gái con anh cả cũng tham gia phục vụ chiến đấu.

Chưa đánh phá được các mục tiêu trọng điểm, đến ngày 9-10-1966, hàng chục phi cơ địch lại tiếp tục bắn phá cầu, đường, ga xe lửa. Các khẩu đội pháo cao xạ và súng máy phòng không lại tập trung hỏa lực, cản phá nhiều tốp máy bay địch tới đánh phá, khiến nhiều bom đạn của địch ném trượt xuống sông. Tiếp tục giở chiến thuật cũ, địch vừa đánh phá mục tiêu vừa trấn áp hỏa lực phòng không của ta, trọng tâm là trận địa pháo đặt tại thôn Đường Ấm, khiến một số bộ đội, dân quân anh dũng hy sinh, trong đó có 3 nữ dân quân là các chị Thuận, Oánh, Thẹp. Gần một năm sau, vào ngày 7-7-1967, trong khi kiên quyết giáng trả máy bay địch nhằm giữ cầu, giữ đường, giữ các công trình trọng điểm khác, nữ dân quân thứ 10 của Lam Hạ là chị Đặng Thị Chung tiếp tục nằm xuống. Trong trận đánh này, một đồng chí bộ đội cao xạ cũng anh dũng hy sinh. Anh là Lê Văn Chắc, chồng của nữ dân quân Nguyễn Thị Oánh hy sinh ngày 9-10-1966.

Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu. Mồ hôi rịn đều trên những khuôn mặt hằn in dấu thời gian, nhưng các nữ dân quân chưa muốn rời nơi này. Bởi, đây là trận địa các chị đã từng quyết hy sinh chứ kiên quyết không rời. Và bởi nơi đây nhiều người chị, người em mến thương đang nằm yên giấc.

Phía ngoài cổng miếu thờ là 2 cây cầu đá được tạo hình cong cong qua dòng nước, cùng chạy song song dẫn vào sân miếu.

Sao lại là 2 cây cầu đá?

Xưa các chị sống chết không rời trận địa, bảo vệ cây cầu đường bộ và đường sắt chạy qua quê hương để huyết mạch giao thông luôn thông suốt. Vì thế mà lối vào miếu thờ nay cũng được xây dựng 2 cây cầu đá. Bằng chất giọng vừa thương nhớ, vừa tự hào, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Phủ Lý Lê Văn Dũng đã tâm sự với chúng tôi như vậy./.

Ghi chép của PHẠM HOÀNG HÀ

(Còn nữa)

 

 

Quân đội nhân dân Online (qdnd.vn)