13.1. Thanh toán tiền thi hành án khi không có mặt đương sự
Trình tự thực hiện:
- Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án:
+ Chấp hành viên nghiên cứu, rà soát bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án, xác định số tiền phí thi hành án phải nộp và xác định thứ tự thanh toán tiền thi hành án theo Điều 47 Luật THADS (đã được sửa đổi, bổ sung);
+ Lập và gửi Thông báo về việc nhận tiền, tài sản cho người được thi hành án theo Mẫu số D 17-THA ban hành kèm theo Thông tư số 09/TT-BTP ngày 30/5/2011 của Bộ Tư pháp.
- Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, cơ quan thi hành án phải tiến hành chi trả cho các đối tượng được thi hành án, thu phí thi hành án và có biện pháp xử lý các khoản tiền, tồn đọng theo các hình thức sau đây:
+ Đối với những khoản tiền đã báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận, hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự không đến nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi đương sự đến nhận tiền. Cơ quan thi hành án phải mở sổ theo dõi ghi thông tin về sổ tiết kiệm cùng với tên người được thi hành án, tên bản án, tên quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự.
Trường hợp hết thời hạn 05 năm kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan thi hành án làm thủ tục chuyển nộp số tiền đó vào Ngân sách Nhà nước.
Cơ quan thi hành án mở tài khoản tại ngân hàng để gửi đối với khoản tiền gửi không đủ điều kiện để lập sổ tiết kiệm.
+ Đối với khoản tiền đã thu nhưng việc thi hành án bị hoãn, tạm đình chỉ để xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự.
+ Đối với khoản tiền hoàn trả cho đương sự, sau khi có Quyết định thi hành án, trong thời hạn không quá 10 ngày, Chấp hành viên phải báo gọi để chi trả cho đương sự.
Đối với đương sự ở xa trụ sở cơ quan thi hành án, nếu đương sự có đơn đề nghị chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản (đơn đề nghị có thể được gửi qua bưu điện), Chấp hành viên yêu cầu kế toán lập phiếu chi và gửi số tiền đã thu được cho đương sự qua đường bưu điện hoặc bằng hình thức chuyển khoản. Cước phí chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản do người nhận tiền chịu và được trừ vào số tiền họ được nhận. Giấy chuyển tiền qua bưu điện và phiếu báo nhận tiền (bản phô-tô) lưu trong hồ sơ thi hành án cùng với phiếu chi, bản chính lưu tại bộ phận kế toán.
- Khi thi hành án tại cơ sở, trường hợp người phải thi hành án và người được thi hành án ở cùng một nơi, Chấp hành viên có thể chi trả ngay cho đương sự số tiền, tài sản thu được, hoặc khi tiến hành giải quyết thi hành án tại cơ quan thi hành án, Chấp hành viên có thể tạo điều kiện cho người phải thi hành án và người được thi hành án tự thoả thuận chi trả tiền cho nhau và tiến hành tạm thu hoặc thu phí thi hành án theo quy định tại Điều 60 của Luật THADS, Điều 33 của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 07 năm 2009, Thông tư số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22 tháng 09 năm 2010.
Việc chi trả tiền, tài sản phải lập biên bản ghi đầy đủ thời gian, địa điểm, họ tên đương sự, lý do, nội dung giao nhận, số tiền, tài sản, chữ ký và họ tên của các bên đương sự, Chấp hành viên. Biên bản phải giao cho các đương sự, lưu hồ sơ thi hành án và chuyển cho kế toán để vào sổ theo dõi.
- Trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hay tổ chức kinh tế xã hội, việc chi trả được thực hiện bằng chuyển khoản phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số tài khoản của cơ quan hoặc tổ chức đó, yêu cầu Kho bạc Nhà nước trích số tiền từ tài khoản tạm giữ của cơ quan thi hành án để chuyển trả vào tài khoản của cơ quan hay tổ chức được nhận tiền theo quyết định thi hành án. Trường hợp cơ quan thi hành án thu được tiền thi hành án chưa kịp gửi vào tài khoản tạm giữ trong thời hạn quy định mà bên được thi hành án cử người đại diện hợp pháp đến xin nhận, thì cơ quan thi hành án có thể chi trả cho họ trực tiếp bằng tiền mặt.
- Đối với các trường hợp còn lại, Chấp hành viên thông báo cho đương sự đến trụ sở cơ quan thi hành án, yêu cầu kế toán và thủ quỹ thi hành án làm thủ tục chi trả tiền cho họ. Thông báo của cơ quan thi hành án cho đương sự đến trụ sở cơ quan thi hành án nhận tiền cần ghi rõ: yêu cầu đương sự khi đến nhận tiền phải mang theo chứng minh nhân dân (bản chính) hoặc giấy tờ tuỳ thân có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp ủy quyền cho người khác nhận thay, người nhận thay phải có giấy ủy quyền hợp pháp kèm theo chứng minh nhân dân (bản chính) hoặc giấy tờ tùy thân có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ thi hành án lưu bản chính giấy ủy quyền, bản phô-tô chứng minh nhân dân; chứng từ kế toán lưu bản phô-tô giấy ủy quyền và chứng minh nhân dân của người nhận tiền.
Trường hợp đương sự cung cấp tài khoản cá nhân và yêu cầu chuyển khoản thì cơ quan thi hành án làm thủ tục chuyển khoản.
Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại trụ sở cơ quan Chi cục THADS hoặc qua bưu điện.
Thành phần, số lượng hồ sơ:
* Thành phần hồ sơ:
-Trường hợp trực tiếp đến trụ sở cơ quan Chi cục THADS: Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Trường hợp người được thi hành án ủy quyền cho người khác; hoặc doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế xã hội ủy quyền cho đại diện của mình đến trụ sở cơ quan Chi cục THADS: văn bản ủy quyền hợp pháp; Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của người được ủy quyền.
- Trường hợp đề nghị gửi tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản: đơn đề nghị gửi tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản.
* Số lượng hồ sơ:01 bộ
Thời hạn giải quyết: 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án.
Đối tượng thực hiện TTHC: Người được thi hành án hoặc người được ủy quyền (cá nhân, tổ chức).
Cơ quan thực hiện TTHC: Chi cục THADS
Kết quả thực hiện TTHC: Phiếu chi tiền (nếu chi trực tiếp); hoặc giấy chuyển tiền qua bưu điện, phiếu báo nhận tiền (nếu gửi qua bưu điện); Ủy nhiệm chi (nếu chuyển khoản).
Lệ phí: Không có lệ phí; nhưng nếu đề nghị gửi tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản thì cước phí chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản do người nhận tiền chịu và được trừ vào số tiền họ được nhận.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không
Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC: Không
Căn cứ pháp lý của TTHC:
- Luật THADS năm 2008;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014;
- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS;
- Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS;
- Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về THADS;
- Thông tư số 91/2010/TT-BTP ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ THADS.
13.2. Thanh toán tiền thi hành án khi có mặt cả hai đương sự
Trình tự thực hiện:
- Khi thi hành án tại cơ sở, trường hợp người phải thi hành án và người được thi hành án ở cùng một nơi, Chấp hành viên có thể chi trả ngay cho đương sự số tiền, tài sản thu được; hoặc khi tiến hành giải quyết thi hành án tại cơ quan thi hành án, Chấp hành viên có thể tạo điều kiện cho người phải thi hành án và người được thi hành án tự thoả thuận chi trả tiền cho nhau;
- Chấp hành viên tiến hành tạm thu hoặc thu phí thi hành án;
- Chấp hành viên lập biên bản ghi đầy đủ thời gian, địa điểm, họ tên đương sự, lý do, nội dung giao nhận, số tiền, tài sản, chữ ký và họ tên của các bên đương sự, Chấp hành viên.
Cách thức thực hiện: Trực tiếp
Thành phần, số lượng hồ sơ: Không.
Thời hạn giải quyết: Ngay khi đương sự chi trả tiền hoặc thỏa thuận được với nhau về việc chi trả tiền.
Đối tượng thực hiện TTHC: Người được thi hành án, người phải thi hành án.
Cơ quan thực hiện TTHC: Chi cục THADS.
Kết quả thực hiện TTHC: Biên bản về việc chi trả tiền thi hành án.
Lệ phí: Không.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không.
Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC: Không.
Căn cứ pháp lý của TTHC:
- Luật THADS năm 2008;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014;
- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS;
- Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS;
- Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về THADS.