Đến dự đại biểu tỉnh có đồng chí Ngô Thanh Tuân - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam. Đại biểu thành phố có đồng chí Nguyễn Đức Toàn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Phạm Văn Quân – ủy viên BTV Thành ủy – Phó chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể của thành phố, lãnh đạo Đảng ủy, UBND các phường, xã cùng đông đảo nhân dân trong tỉnh đã đến xem và cổ vũ nhiệt tình.
Tiếp nối thành công của mùa trung thu năm 2023, để Tết trung thu năm 2024 thêm ý nghĩa và thực sự trở thành nơi hội tụ văn hóa truyền thống dân tộc, Thành phố Phủ Lý tiếp tục tổ chức Cuộc thi mô hình đèn trung thu năm 2024, với sự tham gia của 21 đơn vị phường, xã. Trong buổi tối ngày 31/8 có 11 đơn vị phường, xã đầu tiên của thành phố trình diễn mô hình đèn trung thu trên tuyến phố đi bộ Biên Hòa trong sự chào đón, cổ vũ nồng nhiệt của trẻ em và nhân dân thành phố.
Tại khu vực Rạp chiếu bóng Biên Hòa, lễ khai mạc cuộc thi chính thức diễn ra trong một không gian lung linh sắc màu. Màn trình diễn trống Hội, múa lân, sư tử chào mừng đã thu hút đông đảo người dân từ mọi nẻo đường. Sau màn trình diễn khai mạc khu phố đi bộ đã chật kín người. Đường Biên Hòa nhìn từ trên cao như một biển người.
Đi đầu trong đoàn rước đèn của Đêm hội Phủ Lý lung linh sắc màu năm 2024 là mô hình “Cánh chim hòa bình" của đơn vị phường Lương Khánh Thiện. Mô hình, đèn Trung Thu: Cánh chim hoà bình, không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà còn là biểu tượng của khát vọng hòa bình. Được mang vẻ đẹp tinh tế, có ý nghĩa sâu sắc, cùng nhau lan tỏa ước mơ về một thế giới không có chiến tranh. Thông điệp của mô hình nhắc nhở chúng ta, hãy giữ gìn và phát huy, những giá trị tốt đẹp, về truyền thống văn hoá của dân tộc, đồng thời gửi gắm, những ước vọng tốt lành cho tương lai.
Tiếp theo là mô hình “Trâu xanh trẩy hội" của phường Lam Hạ. Hình ảnh con trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam, dân gian xưa nói rằng “Con trâu là đầu cơ nghiệp". Đối với Việt Nam chúng ta hình ảnh con trâu, cây đa, bến nước, sân đình,… luôn là những dữ liệu tạo nên những vần thơ, áng văn bất hủ của bao thi nhân Việt Nam. Mô hình “Trâu xanh trẩy hội" của phường Lam Hạ thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân Lam Hạ.
Sau mô hình mô hình “Trâu xanh trẩy hội" của phường Lam Hạ là mô hình “Thỏ ngọc trông trăng" của phường Lê Hồng Phong. Thỏ ngọc trong truyền thuyết đã trở thành một nhân vật không thể thiếu được trong ngày tổ chức tết trung thu cho các bé. Hình ảnh thỏ ngọc trông trăng đem lại cảm giác ấm áp và gần gũi, như là một người bạn đồng hành trong những chuyến phiêu lưu của tuổi thơ. Với những đường nét mềm mại và ánh sáng lung linh, đèn trung thu hình chú thỏ ngộ nghĩnh không chỉ làm cho không gian trở nên sinh động mà còn tạo ra một bầu không khí hạnh phúc và sum vầy, là một phần của những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ.
Xã Liêm Tuyền với Mô hình Lý ngư vọng nguyệt- hay còn gọi là “Cá chép ngắm trăng". Cá chép gắn liền với truyền thuyết cá chép vượt vũ môn hoá rồng. Bên cạnh cá chép thì nổi bật trong mô hình là hình ảnh mặt trăng. Mặt trăng đại diện cho vũ trụ bao la, toả sáng xuống nhân gian mang ý nghĩa trường tồn. Nhìn thấy ánh trăng, người ta sẽ nghĩ đến sự viên mãn, như ý nguyện của con người trong cuộc sống. Mô hình cá chép hướng lên cung trăng đã tạo nên hình ảnh “Cá chép ngắm trăng" mang vẻ đẹp tổng thể, hài hoà, hoàn thiện. Đó chính là biểu trưng cho mong ước của nhân dân xã Liêm Tuyền nói riêng và nhân dân Thành Phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam nói chung- luôn viên mãn, tròn đầy, gặp được nhiều điều may mắn, tốt đẹp trong cuộc sống, học tập và lao động.
Mô hình “Vũ điệu trăng rằm" được nhân dân phường Minh Khai thiết kế và làm mới với chiều cao của chim công là 3.7m. Hình tượng trung tâm của mô hình là “chú chim công" được thiết kế tinh xảo cùng bộ lông được tạo hình từ hàng trăm chiếc lồng đèn nhỏ, mỗi chiếc đèn đại diện cho một sắc màu, một ánh sáng khác nhau. Những màu sắc rực rỡ này không chỉ tạo nên vẻ đẹp cho mô hình mà còn thể hiện sự đa dạng và phong phú của cuộc sống người dân phường Minh Khai - Phủ Lý - Hà Nam. Mô hình “Vũ điệu trăng rằm" không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn mang trong mình thông điệp về sự đoàn kết, về tình yêu quê hương và niềm tự hào về bản sắc văn hóa con người Phủ Lý – Hà Nam. “Chim công" mở rộng đôi cánh như đang chào đón những điều tốt đẹp, mong muốn về một cuộc sống bình an và thịnh vượng. Đồng thời, thông qua mô hình này, nhân dân phường Minh Khai muốn gửi gắm thông điệp về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cùng nhau, chung tay xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho quê hương Phủ Lý thân yêu.
Tiếp theo là mô hình Trung thu mang tên: “Đại dương xanh" của đơn vị phường Châu Sơn. Mô hình lấy ý tưởng từ thế giới thủy cung mênh mông vô tận với hình ảnh những chú cá đầy màu sắc đang bơi lượn lướt trên làn sóng xanh. Thông qua mô hình nhân dân phường Châu Sơn muốn thể hiện lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc của con người đối với thiên nhiên, đại dương bao la đã nuôi dưỡng đem lại cho con người cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy no ấm. Qua đó muốn trao gửi tới thế hệ trẻ thêm yêu, thêm tự hào về đất nước nơi mình sinh ra, luôn có ý thức giữ gìn vẻ đẹp trong sạch của đại dương, không xả rác vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường biển. Hãy bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển chính là bảo vệ hệ sinh thái phong phú của chúng ta!
Sau Mô hình “Đại dương xanh" là mô hình “Mẹ con mèo đi trảy hội" của xã Kim Bình. Trong phong thủy, mèo được coi là linh vật đem lại sự cát tường, thịnh vượng, có thể nhờ linh lực để hóa giải sát khí. Với những ý nghĩa biểu tượng lớn về phong thủy như vậy, người ta thường hay trưng bày tượng con mèo trong nhà với mong muốn cầu mong điều tốt đẹp, tài lộc về cho gia đình.
Tiếp đó là Mô hình “Cá chép hoá rồng" của phường Thanh Châu. Thông qua mô hình đèn lồng cá chép này, phường Thanh Châu gửi gắm ước muốn cầu mong cho đất nước phồn vinh, nhân hòa vật thịnh, con trẻ học hành tấn tới, niềm vui đến với mọi người.
Mô hình “Thánh Gióng" – Sức mạnh Huyền thoại Việt của đơn vị phường Quang Trung. Với mô hình đèn Trung Thu: Thánh Gióng sức mạnh huyền thoại Việt đơn vị phường Quang Trung không những muốn đem đến cho các em thiếu nhi những niềm vui lung linh, sắc màu trong dịp tết trung thu mà còn muốn giáo dục tới thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, tự hào về sức mạnh đoàn kết, diệu kỳ, tự hào về những con người tuy nhỏ bé nhưng khi cần luôn sẵn sàng đứng lên để bảo vệ tổ quốc. Thông điệp của mô hình gửi tới các em học sinh là hãy biết trân trọng lịch sử, văn hóa luôn cố gắng trở thành con ngoan, trò giỏi để trở thành những chủ nhân tương lai góp một phần nhỏ bé vào xây dựng quê hương đất nước.
Mô hình Đèn Trung Thu “Voi xám Bản Đôn" của xã Tiên Hải. Mô hình voi xám được tạo nên từ tre, một vật dụng thân thiện với môi trường , gần gũi với người dân nông dân chúng ta. Voi xám có chiều rộng 2,5m, chiều dài hơn 6m và chiều cao chỉ có 3,5m. Bên ngoài mô hình voi được bọc một lớp đề can xám màu có độ bền rất cao. Bên trong mô hình được lắp một hệ thống điện chiếu sáng trang trí , tạo dấu ấn đặc biệt.
Mô hình cuối cùng trong đoàn diễn diễu đèn Trung thu tối 31/8 là Mô hình “Bọ ngựa trẩy hội" của xã Phù Vân. Mô hình gồm 2 chú bọ ngựa xinh xắn, dũng mãnh, mỗi chú có kích thước dài 3,2m, cao 3,2m, được làm từ những vật liệu hết sức đơn giản như nhựa mê ca, băng keo, tre nứa, sơn màu. Hai chú bọ ngựa được thiết kế trên màu sắc chủ đạo là vàng, xanh, kết hợp điểm màu trắng, đỏ, hồng,… rất gần với màu sắc thực tế của chúng mà vẫn lung linh dưới sắc vàng của trăng đêm nay. Và qua chiếc đèn lồng hình Bọ ngựa trẩy hội này, xã Phù Vân muốn gửi đến tất cả mọi người một thông điệp: phải luôn giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, luôn có ý thức và nghị lực vươn lên, vượt mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống, hãy dùng sức mạnh, trí tuệ, tài năng của mình vào những việc chính đáng, có ích góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Các mô hình đèn trung thu của 11 đơn vị phường, xã diễn diễu trong buổi tối ngày hôm nay được lấy cảm hứng từ những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết dân gian hay những nhân vật lịch sử gắn với đời sống lao động sản xuất của người dân. Đặc biệt, các mô hình này đều do người dân tự tay sáng tạo nên. Mỗi mô hình là tấm lòng và tình yêu thương của các ông bà, cha mẹ dành cho con trẻ trong ngày tết trung thu.
Cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần quảng bá tiềm năng du lịch và hình ảnh quê hương, con người TP Phủ Lý thân thiện, mến khách; mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực, giàu ý nghĩa tạo cho trẻ em thành phố một sân chơi đậm màu sắc truyền thống và thúc đẩy các phong trào văn hóa, văn nghệ của các tổ chức, đoàn thể ở phường, xã…
Tuần sau, vào tối thứ sáu ngày 6/9, 10 mô hình còn lại tiếp tục được trình diễn trên phố đi bộ Biên Hòa.