“Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả 4 Chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Đến nay việc giải ngân đã đạt 100% kế hoạch đề ra, nguồn vốn vay được sử dụng đúng quy định, hỗ trợ tích cực cho các đối tượng theo quy định, qua đó phát huy về kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động" – Theo báo cáo đánh giá của Đoàn Đại biểu quốc hội trong chương trình giám sát chuyên đề năm 2024 vừa qua tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Các hộ dân sản xuất kinh doanh, tạo việc làm từ vốn vay Nghị quyết 11
Theo đó, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền triển khai đầy đủ và có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; tham mưu nguồn vốn uỷ thác từ ngân sách địa phương đạt được năm sau cao hơn năm trước; tập trung huy động nguồn lực, tổ chức triển khai các chương trình tín dụng chính sách nói chung và chính sách hỗ trợ lãi suất, các chương tín dụng theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam triển khai 4 chương trình tín dụng chính sách quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ, gồm: (1) Cho vay giải quyết việc làm; (2) cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình mua, thuê mua nhà ở cho công nhân, xây mới hoặc cải tại, sửa chữa nhà ở; (3) cho vay học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; (4) cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Tổng nhu cầu vốn của 4 chương trình tín dụng trong 2 năm 2022-2023 là 590.476 triệu đồng; chi nhánh được NHCSXH Trung ương phân bổ kế hoạch 520.476 triệu đồng, đã triển khai giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch được giao; dư nợ 4 chương trình đến 31/12/2023 là 518.716 triệu đồng với 7.958 khách hàng đang dư nợ.
Qua 02 năm thực hiện Nghị quyết, từ 4 chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ thông qua hệ thống NHCSXH đã góp phần phục hồi kinh tế xã hội bền vững. Vốn tín dụng chính sách đã giúp 43.587 lượt hộ nghèo và các đối tượng yếu thế khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với số tiền trên 2.180 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 24.000 lao động, trong đó có 32 người chấp hành xong án phạt tù có việc làm, tạo sinh kế; gần 3.300 em học sinh sinh viên được vay vốn mua thiết bị và trang trải chi phí học tập; xây dựng gần 30.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 419 căn nhà ở xã hội, trong đó có những công nhân đầu tiên đã được vay vốn để hưởng chính sách về nhà ở xã hội của tỉnh.
Từ hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách, khẳng định Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa giúp người dân tạo sinh kế, phục hồi và phát triển sản xuất, đây là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và “sức bật" cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19.
Để thực hiện hiệu quả, đưa Nghị quyết 43 đi vào cuộc sống, Chi nhánh NHCSXH kiến nghị Chính phủ tiếp tục bố trí thêm nguồn lực đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội, cho vay hỗ trợ việc làm, đáp ứng nhu cầu của người lao động; nghiên cứu mở rộng thêm chính sách cho vay sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế đối với hộ có mức sống trung bình; hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thị trấn vay vốn để xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nâng mức cho vay đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cùng nguồn vốn trung ương để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia đang triển khai trên địa bàn.
Trong khuôn khổ chương trình giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 43, Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đánh giá cao sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam với kết quả thực hiện Nghị quyết 43 đạt 100% kế hoạch đề ra.