Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỷ niệm 60 năm giải phóng Phủ Lý (3/7/1954- 3/7/2014) Vóc dáng 60 năm

Giới thiệu chung Lịch sử, truyền thống văn hóa  
Kỷ niệm 60 năm giải phóng Phủ Lý (3/7/1954- 3/7/2014)   Vóc dáng 60 năm
Ngày 3/7/1954, cùng với cả tỉnh Hà Nam, thị xã trung tâm tỉnh lỵ Phủ Lý hoàn toàn giải phóng. Tròn 60 năm đã đi qua, từ đống tro tàn đổ nát chiến tranh, song hành cùng bao thăng biến đổi với nhiều tên gọi khác nhau, Thị xã Phủ Lý hôm qua, Thành phố Phủ Lý hôm nay đã không ngừng vươn dậy, tạo nên vóc dáng của một đô thị trẻ nơi ngã ba sông mang nhiều dấu tích lịch sử, văn hiến.   

Toàn cảnh Thành phố phủ lý

Mùa hè 2014 này, những người được tận mắt chứng kiến hình ảnh của Thị xã Phủ Lý vào thời điểm lịch sử tháng 7/1954- một thị xã bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh có lẽ không còn nhiều. Đôi dòng sử liệu về thị xã thời điểm đó cũng chỉ là vài nét phác thảo ngắn gọn: “Khi tiếp quản, Phủ Lý chỉ còn mấy dãy phố lèo tèo có người ở với khoảng hơn tám chục hộ. Hàng trăm gia đình tản cư khi trở về không còn tài sản, nhà cửa. Đường sá, bến cảng, công trình phúc lợi công cộng bị phá hoại. Trước khi rút chạy, địch còn dã tâm đặt mìn phá hỏng cầu cống, ném bom phá đê bao các vùng ven thị” (*). Hôm nay, qua đi sáu chục năm năm tròn, trong căn nhà nhỏ bình yên một góc phố xưa cũ, nói về ký ức những ngày ấy, cụ ông Hoàng Bắc Môn(90 tuổi, Tổ 2, Phường Minh Khai) trầm ngâm hồi tưởng: Chợ Bầu lớn nhất thị xã lúc đó cùng hàng loạt các cửa hàng, cửa hiệu nổi tiếng hầu như không còn hoạt động. Nhiều gia đình đi tản cư về dựng tạm mái lều trên nền đất cũ để ở. Sau ngày giải phóng, cuộc sống mới nơi phố thị tỉnh lỵ mới dần hồi sinh...

Một góc khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo

Hơn 10 năm sau ngày giải phóng, vóc dáng Phủ Lý lại một lần được khắc họa đậm nét khi thị xã bên ngã ba sông này hiên ngang ngẩng cao đầu cùng Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội ...vít đầu lũ quạ sắt không lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tháng 1/1973, Hiệp định Pa ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, cùng với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, từ trong đổ nát chiến tranh, Phủ Lý một lần nữa bắt tay xây dựng lại bằng một nhịp điệu xây dựng hối hả, bền bỉ suốt những năm tháng thời kỳ bao cấp và bùng nổ sự khởi sắc khi bước vào giai đoạn mở cửa, đổi mới. Những trọng điểm bom đạn bến phà, nhà ga, cầu đường bộ, đường sắt, cầu phao quân sự… ngày đêm nối liền mạch máu giao thông phục vụ chiến trường năm xưa dần trở thành điểm nối các tuyến Quốc lộ 1A, 21A, 38 với phía Bắc, phía Nam, xứ Đông, xứ Đoài. Tháng 7 này, tình cờ được đứng trên tầng 11 của tòa nhà mới kề bên cầu Hồng Phú cao lồng lộng, người viết bài và một nhiếp ảnh gia kỳ cựu gốc gác người Phủ Lý có dịp say sưa ngắm nhìn vóc dáng thành phố đang rực đỏ trong ánh hoàng hôn buông cùng nhịp điệu phố xá sôi động. Nhìn sang bên kia bờ tây sông Đáy là Bảo tàng tỉnh- nơi lưu giữ xác chiếc máy bay thứ 2100 của không lực Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bị khẩu đội nữ cao xạ pháo phòng không Lam Hạ phối hợp bắn rơi trên bầu trời thị xã. Bên kia dòng Nhuệ Giang là dải đất Phù Vân anh hùng nổi tiếng với khẩu đội cao xạ pháo 12 chiến sĩ gái đã từng tham chiến 91 trận đánh cùng lực lượng phòng không Phủ Lý bắn rơi, bắn cháy hàng chục máy bay Mỹ. Những ụ pháo phòng không thời chiến nay đã phủ kín những vườn rau, vườn hoa, tạo dáng thanh bình cho một làng quê ngoại thành. Xa hơn chút nữa, chính tại “tọa độ lửa bờ bắc Sông Châu” ngày nào là cây cầu hiện đại Châu Giang như đôi tay lực lưỡng với sang khu đô thị mới Lam Hạ tạo nên nét phác họa thanh tân, trẻ trung cho thành phố ngã ba sông. Mở rộng tầm mắt về bốn hướng, thật thú vị biết bao khi thấy những trọng điểm đánh phá ác liệt năm xưa nay đã trở thành những trục đường vành đai rộng mở, những khu đô thị trẻ, khu công nghiệp mới. Dọc bờ sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu, Chợ Trấn, chợ Bầu trên bến dưới thuyền trong ký ức người Phủ Lý xưa cùng bến Hồng Phú "một thời máu đỏ, cờ bay" trong câu hát năm nào nay càng thêm rộng dài thoáng mở nhờ dải bờ kè xen cùng những bến thuỷ du lịch đi ngược về xuôi.

Bưu điện Trung tâm Tỉnh Hà Nam

Trong câu chuyện về phố thị ngã ba sông ký ức và hiện tại, Bí thư Thành ủy Phủ Lý- Đỗ Văn Sáng hào hứng lược lại vài thời điểm đáng nhớ của Phủ Lý thời hội nhập: Năm 2007, sau 10 năm tái lập tỉnh, Phủ Lý được công nhận đô thị loại III, diện tích mở rộng gấp bốn lần, dân số tăng lên gấp đôi. Năm 2013, Phủ Lý tiếp tục mở rộng theo Nghị quyết của Chính phủ với hàng chục đơn vị hành chính mới. Tiếp nối truyền thống của đơn vị Anh hùng LLVTND, sau 60 năm giải phóng, 17 năm trở thành tỉnh lỵ, 6 năm được công nhận đô thị loại III, năm 2014 này cùng với hàng nghìn ha đô thị mới, quyết tâm hướng nếp nghĩ, nếp sống của người dân thành phố theo nhịp điệu của một đô thị trật tự, văn minh, hiện đại được thể hiện bằng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, “Người TP Phủ Lý văn minh, thanh lịch”. Để hiện thực mục tiêu xây dựng thành phố giàu, đẹp, Thành uỷ Phủ Lý xác định: ưu tiên hợp lý cho phát triển thương mại, dịch vụ sẽ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực tạo đà tăng trưởng và dịch chuyển cơ cấu kinh tế thành phố một cách bền vững. Trên địa bàn thành phố hiện có 4 khu, cụm công nghiệp(Tây nam Phủ Lý, Châu Sơn, Kim Bình, Tiên Tân) với gần 700 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2,7nghìn tỷ đồng. Tính từ khi được công nhận đô thị loại III(2008) đến nay, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng bình quân 18%/năm. Kèm theo đó, bình quân mỗi năm khoảng 4.300 lao động được tạo việc làm. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển khá với tổng  mức lưu chuyển hàng  hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2014 đạt trên 2,5 nghìn tỷ đồng. Cùng với thương mại, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng đã được thành phố đầu tư đúng hướng theo quy hoạch chi tiết các điểm dân cư trên địa bàn 10 xã ngoại thành. Cùng đó, phát huy tối đa ưu thế cận lộ, cận thị, cận giang… để chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp ngoại thành, tạo nên vùng nông sản hàng hóa phụ vụ nhu cầu tại chỗ của thành phố. Kỷ niệm tròn sáu chục năm giải phóng Phủ Lý, thật mừng khi biết rằng thu nhập bình quân đầu người của thành phố hiện đạt xấp xỉ 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%.

Thành phố Phủ Lý ngày càng khang trang

Ghi dấu sự kiện ngày Phủ Lý giải phóng, một con đường mang tên “Đường 3 tháng 7” đã được hiện hữu ở Khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo- một trong những khu đô thị mới của thành phố. Tròn sáu chục năm sau ngày giải phóng, về thăm Phủ Lý hôm nay, chắc hẳn không ít người sẽ ngập ngừng lạ bước. Những con phố cũ hàng trăm năm tuổi, những trục đường mới mở thanh tân, dẫu còn ngổn ngang bề bộn trong dựng xây, kiến thiết, nhưng đã thấy rất rõ những nét phác thảo tự tin, phóng khoáng về một thành phố trẻ. Hàng loạt điểm nhấn khu đô thị mới: Nam Lê Chân; Nam Trần Hưng Đạo; Đông sông Đáy; Liêm Chung; Liêm Chính; Bắc Thanh Châu; Bắc Châu Giang; Quang Trung, Khu Đô thị Đại học Nam Cao, Khu liên hợp thể dục thể thao, Hành lang Quốc lộ 1A và Đông, Tây sông Đáy, dự án Bệnh viện Bạch Mai II, Bệnh viện Việt Đức… đã và đang làm cho không gian, diện mạo đô thị ngày càng rộng mở, khang trang. Khép lại bài viết này, xin được trích nguyên văn câu nói đầy vẻ mãn nguyện, tự hào của cụ ông Hoàng Bắc Môn về thành phố của mình: “Từ một phố thị nhỏ bé với ba con phố nhỏ Châu Cầu, Quy Lưu, Tân Khai…qua đi bao thăng trầm biến đổi, vóc dáng Phủ Lý hôm nay rộng dài, nguy nga đến không ngờ”./.

Thế Vĩnh - Thế Tuân ( Báo Hà Nam)