Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đức Cần Thiện Đại Vương và quê hương Phù Vân

Giới thiệu chung Lịch sử, truyền thống văn hóa  
Đức Cần Thiện Đại Vương và quê hương Phù Vân
Kề bên dòng sông Nhuệ, trên đồng bãi làng hoa Phù Vân (ngoại thành thành phố Phủ Lý) có ngôi linh từ thờ Đức Cần Thiện Đại Vương - một danh tướng thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Trải qua suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, ngôi linh từ ghi danh vị tướng đã hóa thành cùng với quê hương Phù Vân luôn là niềm tự hào của mỗi thế hệ người dân xứ đồng bãi này.

Kề bên dòng sông Nhuệ, trên đồng bãi làng hoa Phù Vân (ngoại thành thành phố Phủ Lý) có ngôi linh từ thờ Đức Cần Thiện Đại Vương - một danh tướng thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa. Trải qua suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, ngôi linh từ ghi danh vị tướng đã hóa thành cùng với quê hương Phù Vân luôn là niềm tự hào của mỗi thế hệ người dân xứ đồng bãi này.

Theo Thần phả Phù Khê, Kim Bảng (đời sau mang tên Phù Đạm, Phù Vân, thành phố Phủ Lý), thuở ấy, đất Lương Giang (Thanh Hóa) có một thư sinh danh xưng Nguyễn Thuần tài đức kiêm toàn được triều đình cử bổ làm phủ doãn phủ Lý Nhân. Khi mới nhậm chức, ông cho xây dựng doanh lũy ở Phù Khê và nên duyên cầm sắt với người con gái công dung ngôn hạnh đất này tên là Quang Nương. Một hôm nhân buổi thư nhàn đi dạo, tình cờ nhìn thấy trên đất Phù Khê có gò đất đẹp nơi ngã ba, nước chảy đổ vào, sao dẫn mạch chầu về, lại thấy dân chúng trong vùng tất thảy no đủ, phong tục thuần hậu bèn cho dựng hành cung cùng phu nhân nghỉ ngơi. Thuần Công vốn người mẫn cán chăn lo chính sự. Còn Quang Nương nơi hành cung đất Phù Khê tháng ngày một mực chuyên cần nông tang, lấy thiện trừ ác, thường đem bổng lộc, của cải trong nhà ban phát, sẻ chia cùng nhà nghèo, được dân chúng cả vùng nể trọng, hết lời tụng ca. Một đêm, trời quang trăng sáng, Quang Nương cùng chồng nghỉ nơi chính cung bỗng thoáng bóng sao trên trời sa vào miệng, bà nuốt vào, thấy khoan khoái lạ thường, tỉnh dậy mới hay là mộng bèn kể cho Thuần Công nghe. Cho rằng là giấc mộng lành, đôi uyên ương bèn cùng chăn gối loan phượng sum vầy. Từ đó, bà có thai, 10 tháng sau, đúng ngày 12 tháng một (tháng 11 âm lịch) sinh hạ cậu con trai mặt vuông, tai to, mắt sáng, mày xanh khác người, đặt tên là Thiện Công. 12 tuổi, Thiện Công theo học Hoa Đường tiên sinh, vốn thông minh sáng dạ học một biết mười, chỉ qua mấy năm theo đòi nghiên bút mà kinh sử, thiên văn, địa lý thông hiểu, binh thư, võ bị tinh anh. 20 tuổi, thân phụ Thiện Công qua đời, thân mẫu do đau buồn cũng mắc bệnh lâm chung, Thiện Công xót xa tìm đất an táng thân phụ, thân mẫu chu tất rồi nuôi ý định tìm minh chủ theo dựng nghiệp lớn.

Một đêm nhìn lên trời biết nước Việt ta có thánh nữ xuất trần bèn từ biệt dân làng Phù Khê rồi cứ nhìn bóng mây mà đi. Đến địa đầu Sơn Tây, nghe tin Hai Bà họ Trưng là hào kiệt đang dấy binh nơi cửa sông Hát Môn, huyện Phúc Lộc, phủ Quốc Oai, Thiện Công xin vào yết kiến. Trưng Vương thấy Thiện Công tướng mạo đường đường, văn võ kiêm toàn bèn giữ lại nơi trung quân, phong làm Cần Thiện. Vâng mệnh Trưng Vương, Cần Thiện cùng các tướng lĩnh tỏa đi mọi miền kêu gọi hào kiệt, dân chúng cùng đồng lòng bảo quốc, phục nghĩa. Khi trở lại Phù Khê, già trẻ trong làng  hết thảy đều mứng rỡ, thuận lòng tình nguyện nô nức xin theo. Thuận ý trời, được lòng dân, chỉ sau mười hôm mà thu nạp được sáu vạn người tụ nghĩa về Hát Giang, Trưng Vương phấn chấn bèn cho mổ trâu bò tế cáo trời đất, khao đãi úy lạo tướng sỹ rồi đem quân tiến đánh thành giặc. Trước sức mạnh của quân tướng Hai Bà, quân Tô Định hỗn loạn bỏ thành chạy về phương bắc. Trưng Vương lên ngôi, ban cho nam nữ tướng tá phân chia phủ, huyện, lập thực ấp theo thứ bậc. Cần Thiện đại phu được tin dùng giữ trọng chức trong triều. Công việc xong xuôi, được vua thuận ý, ngài dâng biểu xin lui về đất quê Phù Khê cho mổ bò lợn khao đãi dân làng thân tình trọng hậu. Cũng từ đó, ngài luôn lấy nhân nghĩa cố kết lòng người, lấy hòa mục xây đắp nhường nhịn, lại miễn thuế cho dân, ban vàng bạc mua đất làm ruộng hương hỏa sau này.

Bình yên được ba năm, Hán Quang Vũ cho Mã Viện, Phong Long đem 30 vạn quân xâm lược. Sau hơn một năm chống trả bất phân thắng bại, Trưng Vương cho lui quân về Cấm Khê (nay thuộc thôn Cốc, Khả Phong, Kim Bảng) tính kế lâu dài. Quân Mã Viện ỷ thế có 30 vạn binh tiếp viện chia quân chiến đóng nước ta và điên cuồng vây đánh nghĩa quân. Quân tướng Trưng Vương sau đó lương thảo cạn kiệt lại không có tiếp viện, ngày càng lâm vào thế nguy nan, bèn cùng nhau quyết đánh một trận tử chiến và oanh liệt hy sinh. Tấm gương trung liệt của vua tôi, quần thần sư đệ nhà Trưng Vương đã làm lay động tâm can bao thế hệ dân chúng, đến cả Thái thú Sỹ Vương sau này sang nhậm chức cũng cảm phục mà cho xây cất đền miếu nơi cửa sông Hát Môn và nhiều nơi, lại phong ban mỹ tự để dân chúng phụng thờ. Đền thờ Cần Thiện tướng công đất Phù Khê được dựng chính trên nền hành cung xưa, đứng nơi quang đãng, đẹp đẽ bên bến đò Dạm sông Nhuệ, cận kề chùa làng. Đến đời Lý Thánh Tông, quân Chiên ngang ngược nhiều lần quấy đảo, Thánh Tông đích thân xa giá dẫn binh đánh dẹp. Khi qua đời nơi cửa miếu Phù Khê bỗng nhiên trời nổi giông gió khiến vua tôi không thể đi tiếp. Thánh Tông cho quân nghỉ lại một đêm. Quá nửa canh ba, nhà vua mộng thấy một người mũ áo chỉnh tề, xưng là Cần Thiện Phúc Thần đất Phù Khê xin tòng quân ngầm giúp việc nước. Khi Thánh Tông tỉnh giấc cũng là lúc trời quang mây tạnh, biết là điềm lành linh ứng nên càng phấn chấn cùng quan quân tiến bước về phương nam. Dẹp song giặc Chiêm trở về, nhà vua bèn phong sắc, ban mỹ tự :"Hiển ứng hộ quốc thượng đẳng thần", lại cho phép dân xã Phù Khê trùng tu miếu sở thêm uy nghi, to đẹp. Từ đó, nước cầu, dân khấn đều rất linh ứng. Các đời vua về sau đều phong mỹ tự, xếp vào hàng "Thượng đẳng phúc thần" để muôn đời hương đăng thờ phụng. Chuyện kể theo thời gian cũng đã có đến hàng nghìn năm lịch sử…

Tháng một năm Nhâm Thìn 2012 này là kỷ niệm lần thứ 2010 ngày sinh Đức Cần Thiện. Đền thờ Đức thánh tọa lạc nơi đồng bãi Phù Vân, bên bến đò Dạm, một thời là trận địa pháo phòng không Phù Vân oanh liệt đã được tôn tạo bề thế, khang trang. Bến đò Dạm đã thay bằng cây cầu sừng sững bắc qua dòng Nhuệ Giang. Xã Phù Vân - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ được sáp nhập về thành phố Phủ Lý. Tiếp nối mỹ tục của ông bà thuở  trước, con cháu đất Phù Khê, Phù Đạm xưa, Phù Vân nay, hằng năm, cứ vào mười hai tháng một âm lịch, đúng ngày sinh Đức Thánh, lại náo nức mở hội, rước kiệu, cúng tế trọng hậu, chu đáo. Làng hoa Phù Vân dưới thời đổi mới vẫn mãi truyền tụng câu chuyện về vị thánh nhân tài đức vẹn toàn, nhân lên niềm tự hào, động viên con cháu cùng hiệp sức, đồng tâm đắp bồi quê hương ngày thêm giàu đẹp./.

theo Báo Hà Nam