Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lam Hạ - huyền thoại bi tráng và kỳ tích hào hùng: Quê hương rộn rã đi lên

Giới thiệu chung Di tích lịch sử, danh thắng  
Lam Hạ - huyền thoại bi tráng và kỳ tích hào hùng: Quê hương rộn rã đi lên
Chia tay Lam Hạ đã gần nửa tháng, chúng tôi vẫn nhớ rõ rành những lời thơ trong bài thơ “Quê hương” của tác giả Giang Nam qua giọng đọc của bà Nguyễn Thị Vượng - người chị ruột của hai nữ dân quân Lam Hạ đã anh dũng hy sinh cách đây tròn nửa thế kỷ; lời rằng: “... Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”. Đúng như vậy, chính máu xương của 10 nữ dân quân Lam Hạ năm xưa, cùng các anh bộ đội, dân quân ngã xuống trên trận địa phòng không đã hòa vào lòng Đất Mẹ, để những chồi non của đời sau trỗi dậy, trưởng thành; để quê hương hôm nay không ngừng đổi thay và phát triển.

Rời Khu di tích Trận địa pháo phòng không Lam Hạ, chúng tôi về xóm Đảo, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, tìm đến nhà bà Bạch Thị Thanh, chị dâu của 2 nữ liệt sĩ dân quân Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi. Dưới bóng những cây nhãn già, ngôi nhà tình nghĩa mái bằng kiên cố, rộng rãi vừa được hoàn thành, còn thơm mùi sơn mới, là nơi thờ phụng 2 nữ liệt sĩ dân quân và mẹ của 2 nữ liệt sĩ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Quỳ.

Sau khi kính cẩn thắp nén tâm nhang, mọi người thật sự bất ngờ và không khỏi cảm động trước giọng nói ấm rền như vừa tự sự, vừa sẻ chia: “50 năm đã qua, hôm nay, cũng một ngày mùa thu trời cao xanh vời vợi, tôi thấy đây là mùa thu hạnh phúc nhất, phấn chấn nhất của đời mình” - đó là những lời gan ruột của ông Nguyễn Văn Kiên, một người dân ở xóm Đảo.

Thật ra, ông Kiên là “khách không mời”, bởi lẽ, theo chủ ý, chúng tôi chỉ mong được đến nhà bà Thanh, thực hiện tâm nguyện được thắp nén hương thơm kính dâng lên hai nữ liệt sĩ với lòng tôn kính và lòng biết ơn. Ấy vậy mà sự có mặt bất ngờ của ông Kiên lại mang đến cho mọi người một tâm thức mới. Được đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Bí thư Thành đoàn Phủ Lý giới thiệu, chúng tôi mới biết ông Kiên là cháu ruột của hai nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ. Chính người cha đẻ của ông và 3 người thân nữa trong gia đình đã kề vai sát cánh cùng hai nữ liệt sĩ - hai người cô ruột của ông Kiên - trong trận chiến đấu bi hùng ngày 1-10-1966. Có lẽ bởi thế mà đã từ rất lâu, như là duyên số trời định, ông Kiên có “thói quen” và sở trường kể chuyện cho khách thập phương về gia đình mình và truyền thống chiến đấu anh dũng của quê hương Lam Hạ. Giọng ông tự hào:

- Tôi đã có một cuộc đời hạnh phúc, không phải vì sự giàu sang vật chất mà đúng hơn là sự mất mát từ quá khứ. Hạnh phúc là vì được gắn bó với Lam Hạ - Đình Tràng; được biết mặt, thuộc tên những con người đã đi vào lịch sử của quê hương và dân tộc. Càng hạnh phúc hơn khi tôi trở về từ chiến tranh, sống đến ngày hôm nay, chứng kiến bao sự đổi thay, giàu đẹp của quê hương.

Ông Kiên nói đúng. Khi về thăm xóm Đảo, dù làng quê vẫn chỉ có vài chục nóc nhà như cái thuở bần hàn mấy chục năm trước, nhưng nhìn vào chất lượng cuộc sống và đời sống tinh thần của nhân dân, mới thấy hết sự đổi thay "thần kỳ" trong mỗi nếp nhà. Ở xóm Đảo hôm nay, hầu hết các hộ dân đều xây nhà kiên cố, cao tầng; có đầy đủ các vật dụng sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống hiện đại. Vui hơn là những năm gần đây, nhân dân đã có đường đi lại chứ không phải chèo đò, thuyền ra vào xóm Đảo như trước. Hơn nữa, vườn tược nhà nào cũng đều được quy hoạch bài bản; cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại...

Và chính trong nhịp điệu sinh sôi ấy, xóm Đảo nói riêng, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý nói chung đang khởi sắc từng ngày. Sự đổi thay hiện rõ ở bộ mặt cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn. Nối liền những mái nhà, những khu dân cư bám dọc triền đê Bắc Châu Giang, nay là tuyến đường Lê Công Thanh (mang tên người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Nam) rộng rãi, thoáng đãng. Cắt ngang con đường đó là trục lộ 2 chiều, rộng dài như đại lộ, mang tên cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Với ý nghĩa lớn của tuyến đường trên nhiều phương diện, nhiều người ví đường Nguyễn Văn Linh là “đường động lực” của thành phố ngã ba sông trong lĩnh vực phát triển kinh tế và là “lá phổi trung tâm” của TP Phủ Lý, xét về giá trị trong xây dựng môi trường bền vững cho phát triển.

Ở Lam Hạ hôm nay không chỉ còn đó những địa danh cây cầu, tuyến đường huyền thoại mà một thời quân-dân phải đổi lấy máu xương để bảo vệ; mà gần đây, nhiều chiếc cầu mới, như cầu Lê Công Thanh, cầu 68... được “mọc lên” như nối gần thêm những bờ vui, như mời gọi những nhà đầu tư về với quê hương trung dũng, kiên cường. Càng vui hơn, trong dịp về Lam Hạ lần này, chúng tôi được đến thăm và chuyện trò với các hộ dân, nhất là các gia đình thân nhân của 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ anh hùng. Sau tất cả những gì được “thực mục sở thị”, có người đã thốt lên: Vùng "tam giác lửa" năm xưa, nay đã khoác lên mình một tấm áo mới của sự no ấm, sung túc và đầy triển vọng!

Điều ấn tượng thêm là trên những cung đường phẳng lỳ, thẳng tắp, mọi người tham gia giao thông khá trật tự. Dù những ngã ba, ngã tư chưa có đủ đèn tín hiệu giao thông, nhưng mọi người biết nhường nhau đoạn cua, ngã rẽ, theo đúng luật giao thông... Có lẽ cảm nhận được xúc cảm của “khách” nên anh Nguyễn Đức Thọ phấn chấn khoe: “Đời sống dân trí của Lam Hạ giờ đây “khá” lắm, bởi một khi tri thức, kiến thức được “vũ trang” cho những công dân vốn có tình yêu quê hương, Tổ quốc, có truyền thống cách mạng thì nó càng sáng trong và giá trị vô cùng”. Cũng theo anh Thọ, ở Lam Hạ hiện đã có 3/3 trường học được xây dựng kiên cố, liên hoàn, gồm trường mầm non, trường tiểu học và trường THCS; 6/6 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn; 100% các thôn đều có mạng internet...

Chủ tịch UBND phường Lam Hạ, ông Đặng Tiến Lạc hồ hởi, phấn chấn hẳn lên khi "điểm lại" với khách những đổi thay, bứt phá của địa phương trong những năm gần đây. Toàn phường đã và đang triển khai hơn 20 dự án lớn, nhỏ, trên tổng diện tích hơn 100ha, như: Bệnh viện đa khoa, Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình, nhà thi đấu đa năng... Đặc biệt, các tuyến đường 68, 27, 150... không chỉ mang lại diện mạo mới, hiện đại cho khu vực trung tâm của phường, mà còn là những công trình "đi trước", tạo đà, tạo thế cho việc quy hoạch và phát triển khu trung tâm chính trị-hành chính mới của tỉnh trong tương lai không xa.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phủ Lý Lê Anh Tuấn - một cán bộ chưa tròn 35 tuổi, có học vị thạc sĩ - sôi nổi tiếp lời, thể hiện vấn đề một cách rất khoa học, rằng những năm qua, thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Chính phủ và nghị quyết Đảng bộ các cấp, phường Lam Hạ đã có những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Theo anh Tuấn: “Tất cả những đổi thay trên mảnh đất này, trước hết là nhờ truyền thống cách mạng đã ngấm vào máu thịt cán bộ, nhân dân, được phát huy trong điều kiện mới. Thế nhưng, phần khác là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là tỉnh Hà Nam, TP Phủ Lý, nhằm xây dựng Lam Hạ trở thành địa danh du lịch, lịch sử, văn hóa, sinh thái, tâm linh trọng điểm của tỉnh và cả vùng”.

Ý kiến của anh Tuấn được đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam ghi nhận. Là cán bộ chủ trì, dù mới chuyển về Hà Nam nhận công tác chưa lâu nhưng đồng chí có kiến thức và sự am hiểu khá sâu, kỹ về những giá trị văn hóa của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Hà Nam nói chung,  giá trị văn hóa - lịch sử của quê hương Lam Hạ nói riêng. Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, thời gian qua, với chủ trương xã hội hóa xây dựng quê hương cách mạng, Hà Nam đã huy động nhiều nguồn lực, những tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, tôn tạo các di tích để phát triển du lịch tại Lam Hạ khá hiệu quả. Nhiều công trình được đầu tư đã tạo bước phát triển đột phá, phục vụ hiệu quả cho giáo dục truyền thống và du lịch. Đặc biệt, việc hoàn thiện Khu đền thờ liệt sĩ và di tích lịch sử, văn hóa Hà Nam, trong đó có Trận địa pháo phòng không Lam Hạ và Miếu thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ là những dấu ấn và thành quả đáng ghi nhận.

Với cách tiếp chuyện thẳng thắn, chân thành, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không quên chia sẻ những kỳ vọng to lớn về giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa, giáo dục; nhất là kỳ vọng về liên kết vùng, kết nối du lịch tâm linh trong trục dài Tổ quốc, mà Lam Hạ sẽ là điểm đến đầu tiên ấn tượng trong tour du lịch từ thủ đô Hà Nội về phía Nam. Vậy mà khi kết thúc câu chuyện, đồng chí Nguyễn Đình Khang vẫn không quên nhấn mạnh với chúng tôi rằng, mọi cố gắng trong xây dựng những công trình lịch sử-văn hóa nêu trên, vì mục đích cao nhất là để tưởng niệm, ghi nhớ công lao của vùng đất và con người Lam Hạ, đặc biệt là của 10 nữ dân quân phòng không đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cách đây tròn 50 năm.

Thật đúng vậy, chủ trương của Tỉnh ủy Hà Nam được đông đảo nhân dân đồng thuận. Người dân Lam Hạ vốn bao đời trân trọng giá trị truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đã tròn nửa thế kỷ qua, nhân dân vẫn luôn ghi nhớ công lao, đóng góp của các anh hùng liệt sĩ và lập ra “Ngày giỗ trận” (ngày 1-10 hằng năm), cũng là ngày giỗ chung cho tất cả những người con trung hiếu của quê hương đã dũng cảm chiến đấu và “ngã” vào lòng Đất Mẹ. Và lần này - dịp này - năm nay, họ càng thêm tự hào, hãnh diện trước những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong việc huy động, tổ chức các hoạt động, sự kiện ý nghĩa, mang tính giáo dục cao nhân kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ...

Chia tay thành phố ngã ba sông - chia tay "chốt thép" Lam Hạ, vùng “tam giác lửa” bi tráng mà hào hùng năm xưa, một lần nữa chúng tôi đứng lặng, cúi đầu trước những nấm mộ của các nữ dân quân Lam Hạ - những ngôi mộ được chính quyền và nhân dân đưa về quây quần bên nhau như một thuở họ đã sống, “kề vai sát cánh” nơi chiến trận khốc liệt. Giữa cánh đồng quê bốn mùa lộng gió, rộng dài, mộ các nữ liệt sĩ dân quân thường có những bông hoa trắng trong, tinh khiết trước hiên bia. Chiến tranh đã lùi xa, những vết tích bom đạn đã xóa mờ bởi sự hồi sinh và nhịp điệu phát triển mới của quê hương Lam Hạ, thế nhưng, chắc chắn rằng, câu chuyện về các nữ dân quân anh hùng và chiến công của họ đã, đang và sẽ mãi mãi lưu truyền đến muôn đời sau!

Ghi chép của NGUYỄN TẤN TUÂN

 

 

Quân đội nhân dân Online (qdnd.vn)