Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Vượt sông Châu

Giới thiệu chung Di tích lịch sử, danh thắng  
Vượt sông Châu
Thành phố Phủ Lý, nơi hội tụ của các con sông đã đi vào thi ca: Anh đưa em về thăm quê anh/thành phố bên sông rực nắng hồng/sông Châu hiền hiền hòa, sông Nhuệ yêu thương/Hà Nam ơi, sông Đáy anh hùng… Nhớ về thủa xưa con sông Châu nối liền sông Đáy – sông Hồng đã được vua Lý Công Uẩn chọn làm con đường dời đô từ Hoa Lư về thành Thăng Long. Ngay từ khi tái lập tỉnh dáng dấp đô thị của Phủ Lý đã được định hình dựa trên ý tưởng “Thành phố bên những dòng sông”.

          Trải qua quá trình phát triển, trên các con sông chạy qua thành phố đã hình thành nên nhiều cây cầu. mỗi cây cầu xây dựng nên trên các con sông ở thành phố Phủ Lý đều có một nhiệm vụ cụ thể: cầu Đọ Xá, cầu Phủ Lý gắn với việc phát triển về khai thác đá chế biến vật liệu xây dựng của khu vực Thanh Liêm, Kim Bảng, cầu Hông Phú thay thế cây cầu phao xưa nối liền Quốc lộ 21A phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của cả huyện Kim Bảng hôm nay và cũng là con đường chiến lược nối với đường Hồ Chí Minh và lên vùng Tây bắc tổ quốc; cầu Phù Vân mang theo tâm nguyện phát triển vùng đất ven đô trù phú mà trọng tâm là sản phẩm hoa, cây cảnh, rau xanh cung cấp cho nội thành… Nhưng cầu mới Châu Giang được xây dựng trên trục đường nối nội thành sang đất Lam Hạ, tạo nên điểm nhấn của thành phố Phủ Lý hôm nay.

Cầu mới Châu Giang nối liền thành phố Phủ Lý hiện nay và đô thị Bắc Châu Giang cùng chuỗi đô thị Phủ Lý – Đồng Văn. Đô thị Bắc Châu Giang cũng được quy hoạch tương lai là trung tâm hành chính của tỉnh mà khởi đầu là khu tâm linh Đền thờ liệt sỹ, cùng Miếu thờ “10 cô gái Lam Hạ” anh dũng hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước và liên hiệp thể thao đang được xây dựng. Cầu Châu Giang có tổng chiều dài 520m, gồm: phần cầu chính dài 184m, đường dẫn 2 đầu cầu 336m; mặt cầu rộng 20,4m với 2 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ theo tiêu chuẩn cấp 2 đồng bằng. Nét khác biệt và tạo nên điểm nhấn của cầu mới Châu Giang chính là được thiết kế dạng vòm có thẩm mỹ cao. Nhìn xa cây cầu cong như 1 áng cầu vồng bừng lên mầu da cam soi bóng xuống dòng sông Châu hiền hòa vốn đã được khơi thông qua dự án thủy lợi Tắc Giang – Phủ Lý mang trong mình phù sa sông Hồng đỏ nặng.

Với những người đã từng gắn bó và hiểu rõ về Phủ Lý, về địa danh Lạc Tràng – Lam Hạ mới thấy rõ được điểm nhấn mà cầu mới Châu Giang tạo nên. Phủ Lý mà trọng điểm là Lam Hạ nơi thời chiến tranh đã từng là địa danh mà giặc Mỹ tập trung đánh phá hòng chia cách con đường tiếp tế chiến lược vào Nam. Đồng thời, nơi đây cũng là cửa ngõ phía Nam vào thủ đô Hà Nội. Chứng tích còn ghi về tính chất ác liệt của chiến tranh cùng tấm gương chiến đấu anh dũng của người dân nơi đây chính là hình ảnh 10 cô gái Lam Hạ đã anh dúng hi sinh trên bệ pháo. Cũng gần với nơi cầu mới Châu Giang đang được xây dựng hôm nay, xưa đã có cây cầu phao cho bộ đội ta tránh cầu Phủ Lý đang là trọng điểm đánh phá của giặc để hành quân Nam tiến. Cầu mới Châu Giang chính là động lực làm hồi sinh vùng đất Anh hùng này. Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân thôn Đình Tràng (Lam Hạ) tâm sự: “Lam Hạ quê tôi mặc dù nằm sát nách với đô thị Phủ Lý, chỉ cách mỗi con sông Châu, nhưng dường như đã ngủ quên nhiều năm. Cây cầu mới Châu Giang được xây dựng đã đánh thức vùng đất này và mở ra hướng phát triển mới. Người dân chúng tôi thuận tiện trong việc đi lại, giao thương buôn bán các sản phẩm của địa phương ngày một nâng cao đời sống…

Cùng với quá trình hình thành của cây cầu, vùng đất Lam Hạ đang có được sự phát triển mới đáng tự hào. Khu du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh được xây dựng hoành tráng mà uy nghiêm, những đô thị mới đâng bắt đầu được xây dựng với sự đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng. Cả dải đất ven sông Châu đã được tạo nên dáng dấp của khu sinh thái liền kề với thành phố Phủ Lý hôm nay.

Hà Nam trong quá trình phát triển gắn bó với địa danh “Núi Đọi – Sông Châu”, cầu mới Châu Giang đang góp phần tô điểm thêm cho sự phát triển vùng đất giầu truyền thống với dòng sông hiền hòa như chính con người nơi đây…/.

 

 

Theo Tạp chí sông Châu